Thủ tướng chỉ thị nâng cao hiệu quả công tác dân tộc

09:17 AM 11/09/2014 |   Lượt xem: 1985 |   In bài viết | 

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao mức sống của đồng bào vùng dân tộc và miền núi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thể chế hóa những quan điểm ưu tiên thành cơ chế, chính sách cụ thể; xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban Dân tộc với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011- 2015; ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2014, 2015; chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2015; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phù hợp tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi theo hướng phát triển nhanh, bền vững; xây dựng các đề án, chính sách theo các mục tiêu cơ bản, dài hạn, ổn định và giảm đầu mối quản lý; tập trung ưu tiên các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, khuyến khích thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hạn chế dần các chính sách hỗ trợ cho không, chuyển mạnh sang cơ chế ưu đãi, hỗ trợ các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất và đời sống, khuyến khích đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Việc triển khai các chính sách, dự án đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi giai đoạn tới cần phân kỳ đầu tư và thực hiện theo hướng đầu tư trung hạn, phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện chính sách thông qua kết nối các chính sách hiện hành trong một dự án, mô hình phù hợp với từng vùng, miền, phạm vi quy mô thôn, bản, nhóm hộ, bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

Khuyến khích tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Ủy ban Dân tộc phải phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu của các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phát triển bền vững các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, phục vụ việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn phù hợp với đặc thù từng Vùng; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm của mỗi vùng.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ có điều kiện với cơ chế ưu đãi, khuyến khích đồng bào tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, để từng bước thay thế các chính sách hỗ trợ trực tiếp và cho không. Nghiên cứu lồng ghép chính sách hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số rất ít người vào các chính sách trung hạn.

Đồng thời, Ủy ban Dân tộc phải đánh giá cụ thể, toàn diện việc thực hiện Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và đề xuất giải pháp cụ thể.

Xây dựng chính sách ổn định dân cư

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi Luật đầu tư theo hướng tạo điều kiện ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; phối hợp với các nhà tài trợ, các địa phương thu hút nguồn vốn ODA vào vùng dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng chính sách ổn định dân cư, giải quyết vấn đề dân du canh, du cư, tái định cư, hậu tái định cư; chỉ đạo lồng ghép công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn để ổn định dân cư, đồng thời chủ động kế hoạch hậu tái định cư các vùng mà người dân đến.

Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ đồng bộ về giống cây, con, chi phí chuồng trại, vốn và các vật tư khác; chú trọng phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo đối với vùng dân tộc và miền núi; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó ưu tiên các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Bộ Nội vụ cần xây dựng chính sách đào tạo, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và tái mù chữ trong vùng dân tộc và miền núi; nghiên cứu, đề xuất việc mở rộng loại hình trường bán trú, chính sách học liên thông giữa hệ nội trú bậc Trung học cơ sở với hệ nội trú bậc Trung học phổ thông, trường dạy nghề, cao đẳng; mở rộng loại hình dự bị đại học; chính sách đặc thù đối với học sinh, sinh viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người.

Xây dựng chương trình phát triển thương mại vùng dân tộc

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung đầu tư phát triển hệ thống điện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chú trọng các vùng di dân tái định cư thủy điện; xây dựng chương trình phát triển thương mại vùng dân tộc và miền núi theo hướng ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, chính sách đặc thù hỗ trợ thương nhân kinh doanh tại vùng dân tộc, miền núi, mô hình gắn kết các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm...

Bộ Y tế cần rà soát, nghiên cứu, bổ sung chính sách đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn theo chế độ cử tuyển; thực hiện chính sách đặc thù đối với cô đỡ thôn, bản; xây dựng chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, cư trú tại vùng khó khăn sinh con đúng chính sách dân số.

Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để bảo tồn, phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng các dân tộc rất ít người có nguy cơ bị mai một bản sắc; quy hoạch, bảo tồn phát triển làng văn hóa gắn với du lịch, ưu tiên xây dựng, phát triển các loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ giữ gìn môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa.

Theo chinhphu.vn