APEC 2014: Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương
10:03 AM 05/11/2014 | Lượt xem: 2759 In bài viết |Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương”. Tuần lễ Cấp cao APEC 2014 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ 5-11/11/2014, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực, tập trung thảo luận 12 phiên chuyên đề. Hơn 10 nhà Lãnh đạo APEC được mời tham dự với tư cách khách mời đặc biệt.
Hội nghị Cấp cao (HNCC) APEC 22 diễn ra trong bối cảnh hợp tác và liên kết tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, song những căng thẳng, thách thức ở một số điểm nóng cũng ngày càng trở nên gay gắt. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu; liên kết kinh tế đa tầng nấc được đẩy mạnh.
Năm 2014 đánh dấu 25 năm hình thành APEC và 20 năm thực hiện các mục tiêu Bô-go về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Các thành viên APEC tập trung vào 3 ưu tiên hợp tác gồm: Liên kết kinh tế khu vực; Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế; và Kết nối khu vực và phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuần lễ Cấp cao APEC 2014 bao gồm 7 hoạt động chính: Hội nghị các Quan chức cao cấp (5 – 6/11); Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (05 – 08/11); Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 26 (7 – 8/11); Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (8 – 10/11); Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (10/11/2014); Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 22 (10 – 11/11/2014).
HNCC sẽ có 2 Phiên họp kín và Phiên ăn trưa làm việc, tập trung trao đổi 3 nội dung chính: Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; Đẩy mạnh phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng; Tăng cường kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng.
Dự kiến HNCC sẽ thông qua “Tuyên bố các nhà Lãnh đạo” và “Tuyên bố riêng về kỷ niệm 25 năm thành lập APEC”, và một số văn kiện
kèm theo về kết nối APEC, khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương, chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự HNCC APEC 22. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế ngày 7 – 8/11/2014 và tháp tùng Chủ tịch nước dự HNCC.
Đoàn Việt Nam sẽ tham dự tất cả các hoạt động lớn của Tuần lễ cấp cao, tiếp xúc rộng rãi các đối tác quan trọng trong APEC và các doanh nghiệp ở khu vực. Việt Nam chủ động đóng góp vào các quan tâm chung về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đề cao Cộng đồng ASEAN và các chủ trương liên kết kinh tế đa tầng nấc của Việt Nam.
Các dấu mốc chính về mở rộng nội hàm hợp tác của APEC
- 1989: Thành lập Diễn đàn.
- 1993: Hội nghị Cấp cao đầu tiên (Seattle, Hoa Kỳ).
- 1994:Thông qua các Mục tiêu Bogor về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư (Bogor, Indonesia).
- 1999: Thông qua Kế hoạch về Thẻ đi lại của doanh nhân APEC và thiết lập Khuôn khổ kết nối phụ nữ trong APEC (Yorkland, Niu Di-lân).
- 2001: Lần đầu tiên ra Tuyên bố về chống chủ nghĩa khủng bố (Thượng Hải, Trung Quốc).
- 2006: Đề ra mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á –
Thái Bình Dương (FTAAP) (Hà Nội).
- 2007: Lần đầu tiên ra Tuyên bố về Biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và
phát triển sạch (Sydney, Ốt-xtrây-lia).
- 2009: Thiết lập Khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng và Kế hoạch hành động nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh (Xinh-ga-po).
- 2010: Thông qua Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo về Chiến lược tăng trưởng;
lần đầu tiên tổ chức HNBT APEC về an ninh lương thực (Y-ô-kô-ha-ma, Nhật Bản).
- 2011: Lần đầu tiên tổ chức Đối thoại cao cấp thường niên APEC về phụ nữ và phát triển kinh tế (Ha-oai, Hoa Kỳ).
- 2012: Thông qua Danh mục Hàng hóa môi trường nhằm cắt giảm thuế đối với 54 mặt hàng xuống mức 5% từ năm 2015 (Vờ-la-đi-vốt-xtốc, Nga).
- 2013: Thông qua Khuôn khổ tổng thể về kết nối (Bali, In-đô-nê-xi-a).
Các kết quả hợp tác nổi bật
- GDP thực tế của khu vực tăng từ 15,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ lên 30,3 nghìn tỷ đô-la Mỹ (1989 - 2012) và GDP bình quân đầu người tăng 36%.
- Thương mại hàng hóa nội khối tăng 7 lần, từ 1,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ lên 11,5 nghìn tỷ đô-la Mỹ (1989 - 2014); mức thuế trung bình giảm từ 17% xuống 5,7 % (1989 - 2012); rào cản thương mại giảm từ 16,9% xuống 5,8% (1989 – 2010).
- 55 FTA đã được ký kết trong APEC (tính đến tháng 4/2014).
- Tiết kiệm được 58,7 tỷ đô la Mỹ chi phí giao dịch thương mại trong khu vực (2007-2010).
- Đã triển khai khoảng 1600 dự án (từ 1993), hỗ trợ khoảng 150 dự án/năm với tổng giá trị 23 triệu đô-la Mỹ
- Thiết lập mạng lưới gồm 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) tại 10 nền kinh tế thành viên.
Mạnh Hùng (Nguồn: CPV)