Người giữ nghề dệt thổ cẩm Mường Lò
10:25 AM 26/12/2014 | Lượt xem: 3188 In bài viết |Từ bao đời nay, thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân tộc Thái Mường Lò. Tuy nhiên, khôi phục, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa riêng của nghề dệt thổ cẩm luôn là nỗi trăn trở của chị Điêu Thị Pầng - Giám đốc doanh nghiệp Pầng Loan - kinh doanh hàng thổ cẩm tại chợ Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Không gặp chị được tại gian hàng trưng bày và bán các sản
phẩm thổ cẩm truyền thống ở chợ Mường Lò. Chúng tôi phải tìm đến Bản Pá Kết nơi
chị đặt các khung dệt hợp đồng với các chị em phụ nữ dân tộc Thái may các sản
phẩm dệt thổ cẩm. Chị Pầng cho biết, chị rất tin tưởng vào tay nghề dệt của chị
em nhưng ngày nào chị cũng gặp gỡ chị em ở đây để trò chuyện, trao đổi về mẫu mã,
họa tiết hoa văn... Đặc biệt phải làm sao cách tân được mẫu mã cho phù hợp với
thị hiếu của khách những vẫn giữ được đặc trưng truyền thống.
Để tìm về những nét hoa văn cổ, người phụ nữ đã gần 50 tuổi này hàng ngày vẫn đi
khắp các bản làng Mường Lò tìm gặp những nghệ nhân, người già có kinh nghiệm về
thổ cẩm. Trong nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc rất phong phú và độc
đáo, có tới trên 30 loại hoa văn, hoạ tiết, thể hiện sống động trên thổ cẩm,
trang trí nhà cửa. Thổ cẩm của người Thái Tây Bắc thường sử dụng các màu trắng,
đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… tạo ấn tượng mạnh. Họa tiết thường đối xứng với nhau,
phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ,
triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật… Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm
của người Thái Tây Bắc không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình
thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt
trắng xoá, đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, búp cây, dây leo, cây
guột… Ngay trong mỗi bông hoa, hoặc thế giới động vật cách điệu cũng có hoa đực,
hoa cái, con trống, con mái. Âm dương hài hòa, ước mong sự sinh sôi, phát triển,
khát khao chung sống thuận theo qui luật của muôn đời được thể hiện vô cùng tinh
tế và phải trải qua hàng vạn năm tiến hóa mới có được.
Gặp chị Pầng, chúng tôi thấy ở chị niềm tin khôi phục và bảo tồn những giá trị
của tinh hoa thổ cẩm của người dân tộc Thái Mường Lò. Bởi chị Pầng biết ở mỗi
người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Việc biết thêu thùa dệt vải được
coi là tiêu chuẩn, là sự tất yếu cần phải có: “Nhinh hụ dệt phải, trái hụ san he
- Gái biết làm vải, trai biết đan chài”.
Làm giàu từ thổ cẩm
Tâm sự về việc kinh doanh thổ cẩm, chị Điêu Thị Pầng cho biết, khi kinh tế thị
trường phát triển, những sản phẩm thổ cẩm của người Thái không chỉ gói gọn trong
khuôn khổ của gia đình nữa mà đã trở thành mặt hàng được nhiều người ưa chuộng
bởi sự bền, đẹp. Sản phẩm chủ yếu cơ sở chị làm ra để bán là khăn, chăn, gối và
đệm. Năm 2003, chị đã mở cơ sở sản xuất dệt thổ cẩm. Để mở rộng kinh doanh, chị
Pầng đã tín chấp vay tiền Ngân hàng Chính xã hội thị xã và đến các hộ gia đình
trong thôn hợp đồng sản phẩm. Gia đình nào chưa có khung dệt thì được chị cho
vay vốn mua, nguyên liệu sản xuất thổ cẩm được chị mang đến tận nhà. Mẫu mã mặt
hàng được chị hướng dẫn dệt đúng cách, sản phẩm hoàn thành được chị mua lại với
giá cao. Qua đó đã tạo việc làm ổn định cho trên 50 công nhân theo thời vụ với
mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Càng làm, chị càng rút
ra được nhiều kinh nghiệm cải tiến hoa văn trên vải thổ cẩm, chất liệu màu và
mẫu mã các mặt hàng được yêu thích trên thị trường. Đến nay sản phẩm thổ cẩm của
chị đã có mặt tại nhiều thị trường trong khu vực như: Mù Căng Chải, Trạm Tấu...
Chị Pầng tâm sự thêm, giữ được nghề dệt chính là giữ được những nét văn hóa cổ
truyền của người Thái. Ý thức rõ điều đó nên chị cũng như nhiều nghệ nhân khác
đang kiên trì tiếp lửa nghề dệt thổ cẩm cho các em với mong muốn lớp trẻ phải
giữ được hồn cốt của dân tộc. Qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện giờ
nhiều bạn trẻ đã tích cực tham gia học dệt, thêu. Các em chính là những người
đang nối dài hơn sức sống của một nghề truyền thống mang nét đặc trưng riêng của
người Thái Mường Lò.
Nguyễn Nhật Thanh (Theo: Báo Công Thương)