Bế mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

09:26 AM 17/03/2015 |   Lượt xem: 1858 |   In bài viết | 

Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội hiện hành, Chương III của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 với những sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Bố cục của dự thảo Luật gồm 4 chương với 90 điều, trong đó có hai chương chung về giám sát cho cả Quốc hội và Hội đồng nhân dân và hai chương riêng quy định hoạt động giám sát của Quốc hội và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và cho rằng trong thời gian vừa qua Quốc hội đã tập trung rất nhiều vào việc hoàn thiện thể chế, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh.

Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc xây dựng, ban hành Luật nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước; khắc phục các hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật hiện hành về giám sát và thực tiễn hoạt động giám sát trong thời gian vừa qua để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong thời gian tới, bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Theo UBTVQH, công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua được quan tâm, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hầu hết đơn thư gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội đều được xử lý, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền. Một số đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ phức tạp, kéo dài hay tổ chức khảo sát thực tế để thu thập thông tin, ý kiến, kiến nghị của công dân.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, theo quy định của Hiến pháp về trả lời chất vấn, người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời trực tiếp các câu hỏi tại phiên họp chất vấn của Quốc hội hoặc tại phiên họp UBTVQH, trong trường hợp cần thiết Quốc hội và UBTVQH cho phép trả lời bằng văn bản. Nhưng dự thảo Luật lại quy định người trả lời chất vấn bằng văn bản thực hiện theo quyết định của chủ tọa phiên họp thì liệu có vi phạm Hiến pháp hay không. “Cả tờ trình của dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra đều thống nhất với phương án trả lời bằng văn bản theo quyết định của chủ tọa phiên họp liệu có khả thi”, bà Mai nêu vấn đề.

Liên quan đến quyền hạn của đại biểu Quốc hội khi tiếp nhận phản ánh của người dân với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, bà Mai cho rằng Quốc hội cần xây dựng một quy trình trong việc tiếp nhận thông tin khiếu nại để đại biểu Quốc hội tiếp cận gần hơn với người dân. Từ đây vai trò của đại biểu Quốc hội sẽ được mở rộng, tạo điều kiện cho người đại diện của nhân dân đi sâu hơn vào hoạt động giám sát trong thực tế đời sống.

Băn khoăn về quyền của các tổ chức, cá nhân giám sát có liên quan đến việc cung cấp thông tin bí mật quốc gia, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý đây là một quy định cần phải thận trọng. Ông Thi dẫn ra thực tế kể cả những đồng chí lãnh đạo cao cấp cũng không được tiếp cận với tất cả bí mật Nhà nước. “Dù đại biểu Quốc hội là người dân bầu ra với vị thế xã hội rất cao nhưng không phải vì thế mà đặt vấn đề giao cho họ quyền tiếp cận với tất cả bí mật quốc gia. Tôi đề nghị chúng ta chỉ nên quy định các đại biểu được tiếp cận ở cấp độ nào và phải thuộc phạm vi của người đại biểu đó”, ông Thi nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của ông Thi, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng tiếp cận tài liệu mật là một thực tế trong hoạt động giám sát và chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên quy định việc cung cấp các thông tin bí mật của Nhà nước phải theo quy định của pháp luật. Đồng thời chủ thể giám sát là các đại biểu Quốc hội cũng cần quản lý tài liệu bí mật theo quy định của pháp luật.

Tham gia góp ý kiến cho dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm các thành viên giám sát trước tình trạng nhiều trường hợp đoàn đi giám sát nhưng không đủ thành phần và không đạt mục đích yêu cầu đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội kiến nghị Luật cần nêu rõ thành viên giám sát vắng phải có báo cáo, vắng dài ngày phải có người đủ thẩm quyền thay thế.

Liên quan đến quy định giám sát hoạt động của HĐND, các ý kiến cũng cho rằng Hiến pháp đã nêu rất rõ về quyền hạn của đại biểu Quốc hội, trong đó có sự giám sát của UBTVQH đối với HĐND. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn việc giám sát hoạt động của HĐND từ đó có những đề xuất kịp thời, thường xuyên trong hiệu quả hoạt động của HĐND.

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 36 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý những dự án Luật được đưa ra cho ý kiến lần này đều là những Luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu, tập hợp ý kiến của nhân dân, chuyên gia, các nhà làm luật để xây dựng được những bộ luật vừa đảm bảo thống nhất với Hiến pháp vừa có tính thực tế cao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, các cơ quan hữu quan cần tích cực hoàn thiện các văn bản và triển khai các nội dung đã được UBTVQH quyết định, góp phần vào việc chuẩn bị chu đáo, hiệu quả cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sắp tới./.

Kim Sơn (Nguồn: CPV)