Lễ hội kéo song thị trấn Hương Canh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
01:22 AM 03/04/2015 | Lượt xem: 2269 In bài viết |
Hàng ngàn người dân cùng du khách thập phương đã có mặt tại thị trấn Hương Canh chứng kiến buổi Lễ và xem trò diễn đầy sinh động của các đội.
Kéo song là trò chơi cổ truyền, biểu dương tinh thần thượng võ
của người dân vùng sông nước. Trò chơi kéo song từ xưa đã được nhiều làng, xã
thuộc huyện Bình Xuyên tổ chức vào các dịp lễ hội đầu xuân như: Ngoại Trạch,
Quất Lưu, Sơn Lôi, Thanh Lãng…, nhưng duy trì được đến ngày nay thì chỉ còn lại
ở thị trấn Hương Canh. Riêng ở Hương Canh, kéo song là trò chơi dân gian truyền
thống của 3 làng: Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh.
Lễ hội kéo song được bắt nguồn từ chiến thuật thao lược, luyện
quân thủy chiến của các tướng lĩnh thời kỳ chống quân Nam Hán. Chiến thuật sử
dụng dây song kéo điều chỉnh tốc độ của chiến thuyền sao cho phù hợp với thời
gian dâng, hạ của thủy triều trên sông Cánh. Đây cũng chính là chiến thuật giúp
đại quân của Ngô Quyền giành thắng lợi trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng
năm 938. Từ đó, trò kéo song được đưa vào tập quán sinh hoạt tín ngưỡng của
người dân nơi đây.
Trò chơi Kéo song đã trở thành lễ hội truyền thống hàng năm của
người dân Hương Canh (Bình Xuyên). Năm 2014, Hội Kéo song Hương Canh được Bộ Văn
hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngày hội kéo song ở Hương Canh được tổ chức chính thức vào ngày mùng 3 tháng
Giêng hàng năm và là trò diễn trong hội làng Cánh vào dịp rằm tháng hai âm lịch
với ý nghĩa tưởng nhớ các vị Thành hoàng làng, cầu một năm mưa thuận gió hòa.
Mặc dù trải qua thời gian và nhiều biến cố lịch sử, nhưng cách thức thực hành và
những nghi thức của trò diễn vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, thể hiện tính
cộng đồng, rèn luyện sức mạnh bền bỉ và sự khéo léo của người cầm quân.
Trong thời gian tới, huyện Bình Xuyên tổ chức các hội thảo, tọa
đàm, tìm hiểu, nhận dạng, tiếp tục làm rõ những nét văn hóa còn tiềm ẩn của trò
kéo song trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các cơ quan
chuyên môn phục dựng đầy đủ và lập cơ sở dữ liệu, tư liệu nhằm bảo tồn và phát
huy giá trị của di sản, làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng
bá. Huyện tổ chức truyền dạy kỹ thật kéo song cho thanh thiếu nhi trong thị trấn
Hương Canh, có kế hoạch đưa trò chơi vào giáo dục tại các trường phổ thông để
bảo vệ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản, rèn luyện sức khỏe
cho học sinh.
Cùng ngày, đội kéo song Hương Ngọc và Liên quân Lò Ngói, của thị
trấn Hương Canh (mỗi đội có 25 đô thủ trực tiếp thi đấu) đã tổ chức trò diễn và
thi đấu đầy nhiệt tình, sinh động với sự cổ vũ của hàng ngàn người dân. Kết quả,
đội Hương Ngọc đã thắng đội Liên quân Lò Ngói 2 hiệp liên tiếp, với tổng số điểm
đạt được là 6 điểm và giành chiến thắng./.
Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN