Khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
02:51 AM 06/05/2015 | Lượt xem: 2657 In bài viết |Biến đổi khí hậu (BĐKH) từ lâu đã không chỉ còn là dự báo. Những tác động của BĐKH như lũ lụt, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh…đã ảnh hưởng trên mọi mặt đời sống của cộng đồng. Bởi vậy, theo các chuyên gia môi trường, ngay từ bây giờ Việt Nam cần phải huy động mọi nguồn lực nhằm ứng phó với những ảnh hưởng do BĐKH gây ra.
Thiệt hại do thiên tai, BĐKH ngày
càng rõ rệt
Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ
thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người và
tài sản, các cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, chỉ tính trong 15
năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập,
hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và
tài sản, làm chết và mất tích hơn 10.711 người; thiệt hại về tài sản ước tính
chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Riêng trong năm 2014, thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích, 145 người bị
thương, gần 2.000 nhà đổ, sập, hơn 42.000 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, hơn
230.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng triệu mét khối đất đá
giao thông, thủy lợi bị sạt lở bồi lấp…ước tính thiệt hại khoảng 2.830 tỷ đồng.
Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan
nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu vừa được Bộ Tài nguyên và Môi
trường (TN&MT) công bố 22/1/2015 cũng cho thấy, số ngày nắng nóng dự tính đến
giữa thế kỷ 21 tăng phổ biến từ 20-30 ngày; đến cuối thế kỷ, số đợt nóng (3 ngày
liên tiếp) dự tính sẽ gia tăng ở hầu hết các khu vực trên cả nước, đặc biệt là
khu vực Nam bộ và Tây Nguyên với mức tăng có thể lên tới 6-10 đợt.
Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan
cũng nhận định, tình hình hạn hán có khả năng xuất hiện nhiều và kéo dài hơn
trong thế kỷ 21 ở hầu hết các vùng khí hậu trên cả nước. Số ngày rét đậm, rét
hại cũng có xu thế giảm, tuy nhiên số lượng các đợt rét lại biến đổi phức tạp và
biến động mạnh từ năm này qua năm khác…
Theo các chuyên gia môi trường, BĐKH đang ngày càng diễn ra rõ rệt. BĐKH là sự
thay đổi cực đoan của thời tiết. Biểu hiện rõ nhất của BĐKH là trái đất nóng lên,
nước biển dâng, hiện tượng xâm thực mặn vào sâu đất liền và nắng nóng, mưa bão,
thiên tai biến chuyển bất thường. Mấy năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực
đoan đó liên tục xuất hiện, tác động trực tiếp đến con người và sự sống khác
trong môi trường. Trước thực trạng trên nếu Việt Nam không cùng với cộng đồng
thế giới có những biện pháp khẩn trương ứng phó thì thiệt hại mà cả cộng động
phải gánh chịu sẽ ngày càng lớn.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH
Nhận định về sự khắc nghiệt và xu thế thay đổi thời tiết năm 2015, ông Hoàng Đức
Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, tình
hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước trong năm 2015 sẽ diễn biến phức
tạp hơn so với năm 2014. Hiện tượng ENSO đang ở trạng thái pha nóng và có khả
năng xuất hiện El Nino trong mùa mưa bão năm 2015. Dưới tác động của El Nino,
hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ yếu hơn so với trung bình
nhiều năm về cả tần số và cường độ.
Cũng theo ông Cường, dự báo sẽ có khoảng 9-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt
động trên Biển Đông. Trong đó, khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh
hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Số lượng cơn bão ảnh hưởng đến đất liền
nước ta cao hơn có thể sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở đất đá tại các tỉnh miền núi
và gây thiệt hại về tài sản cho một số khu vực.
Bởi vậy, để đối phó với các hiện tượng thiên tai bất thường có thể xảy ra, các
bộ, ngành, địa phương cần phải chủ động đối phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại
do thiên tai bất thường gây ra. Đặc biệt tập trung vào công tác tuyên truyền để
nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng, chống thiên tai.
Để giảm thiểu những tác động do BĐKH gây ra, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục
Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Hiện nay, hoạt động
phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai được tăng cường, có bước tiến phù hợp với bối
cảnh BĐKH. Cụ thể là hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn từng bước
được đầu tư, nâng cấp thông qua Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới
quan trắc. Một số công nghệ hiện đại đã đưa vào sử dụng, nhờ đó tăng thời gian
dự báo bão và áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; dự báo cơn bão có quỹ đạo
ổn định trước từ 60-72 giờ; cảnh báo trước 48-72 giờ các đợt không khí lạnh gây
rét đậm, rét hại.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, năm 2015 là năm cuối của Chương trình mục tiêu quốc
gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ,
ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm
2015 để triển khai hiệu quả Chương trình này.
Cụ thể là cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam chi tiết đến
từng địa phương, mở rộng khả năng đánh giá ảnh hưởng gắn với đặc trưng thủy
triều, xâm nhập mặn…Dự kiến, công bố vào quý IV/2015 làm cơ sở cho các bộ,
ngành, địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó với
BĐKH giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng hoàn thiện các mô hình thí điểm, từ đó
tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và xem xét khả năng nhân rộng trong gia đoạn
tới đối với các địa phương có điều kiện tương tự. Chẳng hạn như mô hình nhà đa
năng; kè, kênh thủy lợi kết hợp giao thông; xử lý nước mặn, trồng rừng ngập
mặn…Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và hành vi của cộng đồng
về các thách thức cũng như cơ hội của biến đổi khí hậu. Trong đó nhấn mạnh vai
trò, trách nhiệm của các cấp trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cũng trong năm nay các bộ, ngành chức năng còn triển khai mở mới 10 dự án đê
sông, đê biển xung yếu và nâng cấp hồ chứa ứng phó với biến đổi khí hậu, góp
phần bảo vệ và nâng cao chất lượng sống của người dân; phòng chống bão lũ, cứu
hộ cứu nạn, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực ven biển.
Bích Liên (Nguồn: CPV)