Tiếp sức cho công tác dân số vùng cao

10:10 AM 16/06/2015 |   Lượt xem: 2222 |   In bài viết | 

Nhức nhối nhiều vấn đề
 

Đói nghèo, lạc hậu, dân trí thấp… được cho là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và sinh đẻ không kế hoạch ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng sâu, vùng xa. Và vấn đề này đã làm ảnh hưởng lớn tới chất lượng nòi giống của người Việt. Theo các chuyên gia dân số, chất lượng dân số về thể chất của người Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Ngay ở trong nước, chất lượng dân số giữa các vùng miền có độ chênh lệch khá lớn, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khảo sát của ngành dân số cho thấy, hiện nay nạn tảo hôn vẫn diễn ra trên khắp các vùng cao, nhất là vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong đó, tỷ lệ tảo hôn ở các tỉnh Tây Bắc cao hơn hẳn các vùng khác, chiếm tới 30%. Ở một số tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên như: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Trị, Kon Tum… tỷ lệ kết hôn trong nhóm tuổi từ 15 - 19 là hơn 15%. Một số dân tộc như: Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru, Si La… thì cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp là hôn nhân cận huyết thống. Đáng lo ngại hơn, đây là những dân tộc rất ít người, đang có nguy cơ giảm cả về chất và lượng dân số rõ rệt nhất…

 

Bên cạnh đó, tại khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mức sinh hiện nay giảm không đáng kể, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên còn phổ biến ở mức hơn 35%, tỷ suất sinh thô cao trên 30%o… Nếu mức giảm tổng tỷ suất sinh (TFR) tại các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tương đương như mức giảm bình quân toàn quốc trong 10 năm qua (0,03 con/năm), thì hầu hết các tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế và cần từ 10 năm trở lên để phấn đấu đạt mức sinh thay thế. Cá biệt, có những tỉnh cần hơn 30 năm để đạt được mức sinh thay thế. Với giả định mức giảm TFR cao gấp hai lần bình quân toàn quốc trong 10 năm qua, vẫn còn 6 tỉnh cần hơn 10 năm và 5 tỉnh cần từ 5 đến 10 năm để đạt được mức sinh thay thế. Nguyên nhân là do sinh sống ở những vùng núi cao, địa bàn hiểm trở, khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, cùng với phong tục tập quán lạc hậu nên phần lớn các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sinh đẻ không có kế hoạch; đẻ nhiều nhưng lại không có điều kiện chăm sóc và kiến thức để chăm sóc, nuôi dưỡng nên trẻ em bị suy dinh dưỡng, thấp còi, không được đi học… dẫn đến chất lượng dân số thấp - chất lượng giống nòi suy giảm.

Tiếp sức cho công tác dân số vùng cao

Xác định mục tiêu nâng cao chất lượng dân số - cải thiện giống nòi là mục tiêu số 1 đối với công tác dân số, trong những năm qua, ngành dân số đã triển khai nhiều đề án như: Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Kiểm soát dân số các vùng biển, hải đảo và ven biển; Tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân; Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc ít người…

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phấn đấu hơn 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số; giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết trên các vùng có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số có hiệu lực từ 15.6 tới đây. Theo Nghị định này, phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con. Đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận trực tiếp 2 triệu đồng/người bằng tiền mặt từ tháng đầu sau khi sinh con. Đối tượng thụ hưởng phải tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ… Theo tính toán của Bộ Y tế, với số lượng phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số thuộc hộ nghèo hiện nay là 97.500 người/năm; mà mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người thì ngân sách nhà nước sẽ phải bố trí khoảng 195 tỷ đồng/năm. Hy vọng, với kinh phí này sẽ góp phần cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo: Quỳnh Anh (Nguồn: daibieunhandan)