Gần 100% số xã ở Tây Nguyên có trạm y tế
10:45 AM 07/07/2015 | Lượt xem: 1866 In bài viết |Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, gần 100% số xã ở các tỉnh Tây Nguyên đã có trạm y tế và được tăng cường đội ngũ y, bác sĩ, với các trang thiết bị đầy đủ phục vụ tốt yêu cầu công tác khám chữa bệnh ban đầu cho đồng bào các dân tộc, trong đó có trên 66,25% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế và một số chỉ tiêu về chuyên môn đạt khá. Nhờ vậy, số lượng đồng bào các dân tộc đến khám và điều trị bệnh ở các trạm y tế xã, phường ngày càng tăng.
Ngoài việc có chính sách ưu đãi
thu hút các y, bác sĩ về công tác ở các trạm y tế xã, nhất là các xã nằm ở các
địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tỉnh Tây Nguyên
còn quan tâm chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội
ngũ y, bác sĩ ở tuyến cơ sở. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có đội ngũ y, bác sĩ
đang công tác ở các tuyến tăng 3,5 lần so với năm 2001; 100% số trạm y tế xã có
nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 87% số trạm y tế xã, phường có bác sĩ và hầu hết
các thôn, buôn, bon, làng đều có nhân viên y tế. Đắk Lắk và Kon Tum là hai địa
phương hiện nay hầu hết các trạm y tế xã, phường đều có bác sĩ.
Các trạm y tế ở các xã, phường trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã tổ chức tốt việc
khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc và triển khai thực hiện có hiệu quả
việc phòng chống dịch bệnh các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như tiêm
chủng các loại vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đạt trên 95%.
Các chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi, uống vitamin
A, tẩy giun định kỳ cũng đều đạt từ 94% trở lên. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ trẻ em tiêm chủng cũng tăng cao. Hầu hết chị em
người dân tộc thiểu số mang thai đến kỳ sinh nở đều đến trạm y tế sinh. Đặc biệt,
các dịch bệnh thường lưu hành trong khu vực như sốt rét, phong, lao, bướu cổ,
dịch tả… đã được khống chế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, nguồn
nhân lực y tế, nhất là ở các tuyến cơ sở xã, phường của các tỉnh Tây Nguyên còn
thiếu cả về số lượng, chất lượng, đặc biệt là cán bộ có trình độ từ đại học trở
lên. Chính sách đãi ngộ đối với y tế thôn, buôn, bon, làng chưa thỏa đáng nên
nhiều người bỏ nghề hoặc chuyển làm những công việc khác, vẫn còn nhiều trạm y
tế xuống cấp, thiếu các trang thiết bị, dụng cụ y tế, chưa đáp ứng yêu cầu khám
chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc…
Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện chính sách cử tuyển và hợp
đồng đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ để góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho các
trạm y tế xã, phường. Các tỉnh Tây Nguyên ngoài việc tiếp tục huy động các nguồn
lực để nâng cấp các trạm y tế còn tăng cường công tác truyền thông trong cộng
đồng dân cư, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu
số về quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tính
hiệu quả, bền vững của chính sách và truyền thông thay đổi hành vi về ý thức và
biện pháp tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính mình, cho gia đình mình…
Quang Huy (Nguồn: daibieunhandan)