Tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số
11:24 AM 21/10/2015 | Lượt xem: 2628 In bài viết |Chị HĐum Êban cho biết: Những năm trước đây, đối với bà con nơi chị đang sinh sống, họ chỉ biết đến HIV/AIDS rất mơ hồ; người dân chỉ hiểu về căn bệnh này là tệ nạn xã hội, người bị nhiễm HIV vô phương cứu chữa, rất dễ lây nhiễm kể cả qua việc tiếp xúc thông thường. Cũng có một số người dân trong buôn có biết về HIV nhưng chưa đầy đủ.
Trước tình hình đó, chị có một câu hỏi cho bản thân là “tại sao mình không góp một phần nhỏ bé vào công tác phòng, chống dịch bệnh này?”. Thật may mắn, giữa năm 2013, xã Hòa Xuân được Ủy ban Dân tộc chọn triển khai Mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên”. Chị được UBND xã và Trạm Y tế xã Hòa Xuân phân công thực hiện nhiệm vụ cùng cán bộ của Vụ Địa phương II - Ủy ban Dân tộc và các cán bộ của ngành Y tế Đắk Lắk đã triển khai thực hiện một số hoạt động của Mô hình điểm; trong đó nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS tại 03 buôn đồng bào DTTS tại chỗ.
Bằng các kiến thức được trang bị qua các lần tập huấn của Mô hình điểm, của ngành Y tế Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột và kinh nghiệm tự đúc rút của bản thân trong quá trình công tác. Chị HĐum đã mang những kiến thức đã được học, được trang bị để tuyên truyền lại cho bà con trong buôn làng biết để phòng tránh, không bị lây nhiễm căn bệnh HIV vô phương cứu chữa này.
Theo chị, để thực hiện công tác truyền thông tốt thì một đức tính không thể thiếu khi thực hiện nhiệm vụ của mình, đó là tình yêu thương và sự cảm thông; nắm được tâm lý người dân; phải có kỹ năng nghe, nói, đặt câu hỏi đồng thời giải đáp được tất cả những thắc mắc của bà con; dự kiến trước được các tình huống phát sinh và phải nắm chắc được kiến thức.
Chị tâm sự: “Trong quá trình truyền thông tại buôn, tôi luôn nghĩ cách làm thế nào, nói thế nào để truyền đạt lại cho bà con những kiến thức của mình đã được học, nhưng phải đơn giản và gần gũi với đời sống bà con nhất, giúp họ hiểu và tham gia trao đổi với tôi trong buổi truyền thông”. Chị HĐum lại là người dân tộc tại chỗ nên khi được nghe chị tuyên truyền bằng cả tiếng dân tộc lẫn tiếng phổ thông thì bà con trong các buôn cảm thấy rất thoải mái. Trong mỗi buổi nói chuyện chuyên đề, bà con đặt rất nhiều câu hỏi, đưa ra nhiều tình huống thực tế trong cuộc sống; do nắm chắc kiến thức nên chị đều giải đáp hết các câu hỏi, thắc mắc của bà con.
Công việc chủ yếu của bà con là làm nương rẫy và qua một ngày làm việc cực nhọc, họ rất cần được nghỉ ngơi. Mỗi lần tập trung được bà con để tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS không phải dễ; cho nên chị luôn thay đổi cách thức truyền thông để bà con hào hứng và cảm thấy không nhàm chán. Trước khi truyền thông, chị phải nghiên cứu, đọc các tài liệu thật kỹ, dự kiến các tình huống bà con sẽ trao đổi, tạo không khí thân thiện để bà con vừa nắm được kiến thức và tích cực bày tỏ ý kiến của mình.
Sau hơn 2 năm góp phần cùng chính quyền xã triển khai thực hiện các hoạt động của Mô hình điểm, bà con tại các buôn DRai H’Ling, Cư Dluê và Buôr thuộc xã Hòa Xuân đã hiểu cơ bản các kiến thức về HIV/AIDS, về các đường lây truyền và không lây truyền, các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS; biết cách xử lý một số tình huống phát sinh trong thực tế để không bị lây nhiễm HIV; biết được các cơ sở khám và điều trị HIV của địa phương, đặc biệt là cách đối xử với người không may bị nhiễm HIV/AIDS.
Bà con trong buôn làng cũng đã hiểu được nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người bị nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường với cộng đồng nếu được chữa trị và chăm sóc tốt. Từ đó, nhận thức của bà con trong buôn đã thay đổi, giảm bớt sự kỳ thị và có ý thức thực hiện các hành vi an toàn và phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.
Nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS tại buôn Drai H’ Ling xã Hòa Xuân – một trong những hoạt động của Mô hình điểm do HĐum Êban trực tiếp thực hiện
Tại Hội nghị tổng kết Mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên” do Ủy ban Dân tộc tổ chức vào ngày 16/10 vừa qua, chị là một trong những cá nhân trình bày tham luận kinh nghiệm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào DTTS và được khen thưởng vì có thành tích đóng góp trong thực hiện Mô hình điểm.
Phước An