Gương mẫu, đồng hành cùng đồng bào Khmer trong xóa đói, giảm nghèo

02:57 AM 28/10/2015 |   Lượt xem: 2195 |   In bài viết | 

Phước Hảo (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) là xã đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư cũng là vấn đề dai dẳng do tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu của đồng bào. Với vai trò là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, ông Phùng Duy Truyền đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường nhằm giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, coi đây là hai nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Được sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xã Phước Hảo đã tổ chức họp dân để bàn thảo những quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều nội dung được đưa vào quy ước khu dân cư.

Để người dân thực hiện các quy định giữ gìn vệ sinh môi trường, ông Truyền tiên phong làm trước và vận động họ hàng nhà mình cùng làm. Cụ thể, gia đình ông đã cải tạo vườn tạp thành vườn cây trái có giá trị kinh tế cao; phát quang bụi cây; di dời chuồng chăn nuôi ra xa nhà ở; bố trí nơi để rác hợp vệ sinh; hàng tuần đều tổ chức dọn vệ sinh xung quanh nhà ở, đường ngõ…

Vừa gương mẫu thực hiện, ông vừa cùng Ban Công tác mặt trận, Trưởng ấp đến tận nhà của đồng bào để vận động thay đổi tập quán thả gia súc, gia cầm tại khu dân cư, xây dựng khu tắm rửa và nhà tiêu hợp vệ sinh; không ăn sống và uống nước sông suối, không ăn uống kéo dài trong việc cưới, việc tang… Ban đầu, nhiều người còn ỷ lại lí do khó khăn kinh tế, song khi thấy người khác cùng hoàn cảnh làm được đã quyết tâm dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, cải tạo công trình vệ sinh, khơi thông cống rãnh…

Để phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa, ông Truyền đã đề xuất tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới tại ấp Đa Hòa, nơi có 93% dân số là người dân tộc Khmer. Tại buổi mít tinh và các đợt tuyên truyền, ông cùng Ban vận động chú trọng phổ biến những quy định pháp luật về môi trường thiết thực với đời sống; nhấn mạnh tác hại và hệ lụy của ô nhiễm môi trường đối sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những dịch bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường để nâng cao nhận thức trong đồng bào.

Trong phát triển kinh tế, ông Phùng Duy Truyền đã tìm tòi những mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao để phổ biến tới bà con dân tộc Khmer; hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Thực hiện việc đổi mới sản xuất này, cùng với các chương trình hỗ trợ của tỉnh, nhiều hộ đã thoát nghèo, có điều kiện cho con cái học hành. Điển hình như vợ chồng bà Thạch Thị Thơi, từng là hộ nghèo nhất, nhì ấp Ô Kà Đa. Vợ chồng bà trước đây chỉ trông chờ vài công ruộng, kinh tế vì thế rất khó khăn, lo ăn từng bữa. Nay cuộc sống gia đình bà đã ổn định, không còn túng thiếu, công trình sinh hoạt được cải tạo hợp vệ sinh.

Cả ấp Ô Kà Đa, nơi có 100% dân số là người Khmer, giờ đây cuộc sống đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 48,3% (năm 2010) còn 27,3% năm 2015. Trước đây, hầu hết các hộ ở Ô Kà Đa chưa có nhà vệ sinh tự hoại, bà con có thói quen lấy nước ao hồ, kênh mương làm nước sinh hoạt, thì nay, gần 50% số hộ đã xây nhà tiêu hợp vệ sinh; 97% số hộ sử dụng nước máy và nước bơm tay trong sinh hoạt. Ấp Đa Hòa, có 93% dân số là người dân tộc Khmer, hộ nghèo đã giảm từ 185 hộ xuống còn 101/374 hộ (chiếm 27%). Toàn ấp có 68 căn nhà kiên cố, 176 nhà bán kiên cố; tỷ lệ hộ dùng nước máy và nước giếng khoan đạt 94%; 206 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm gần 60%); 43% số hộ đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở.

Ông Phùng Duy Truyền cho biết, Đa Hòa và Ô Kà Đa là hai ấp điểm thực hiện mô hình phát triển kinh tế, đời sống văn hóa gắn với bảo vệ môi trường. Đây là sự sáng tạo trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", gắn với bảo vệ môi trường. Mô hình đã được nhân rộng ra cả xã. Nhiều ấp thực hiện sau nhưng do có sự tin tưởng, đồng thuận cao, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển kinh tế, cải tạo kênh mương nên đã sớm đạt được kết quả tốt. Điển hình như ấp Hòa Hảo và ấp Đại Thôn đều có tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt hơn 85%; số hộ có nhà tắm và sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 94,5%; hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 75%; tất cả các hộ đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa.

Đánh giá chung trong toàn xã, ông Võ Thành Chương - Chủ tịch UBND xã Phước Hảo cho biết, Phước Hảo từng là xã nghèo, mỗi năm chỉ làm được duy nhất một vụ lúa năng suất thấp; điện về xã muộn, nhưng nay, cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, trạm cấp nước sạch đều được đầu tư, không còn cảnh nhà dột nát như trước kia. Hiện nay, toàn xã có trên 97% hộ sử dụng điện, 98% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Mọi nhà, mọi người đều có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhiều tập quán lạc hậu đã được loại bỏ. Nhân dân và đồng bào theo đạo Công giáo (hơn 4.100 tín đồ) đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước.

Theo ông Võ Thành Chương, chính sách quan tâm hỗ trợ của tỉnh về xây nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn,... đã tạo động lực quan trọng cho Phước Hảo phát triển, song vai trò gương mẫu, tích cực tuyên truyền vận động của những cán bộ cơ sở như ông Phùng Duy Truyền đã góp phần tạo sự đồng thuận và làm lan tỏa những mô hình hay để chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, tạo được bước phát triển khá toàn diện cho Phước Hảo.

Với những đóng góp của mình, năm 2015, ông Phùng Duy Truyền đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận (giai đoạn 2010 - 2015), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc công tác Mặt trận năm 2013 - 2014 và được biểu dương tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn tiêu biểu toàn quốc (giai đoạn 201 0- 2015). Ông Phùng Duy Truyền còn được UBND tỉnh Trà Vinh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc 5 năm thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở...


Theo: An Luých (Nguồn: CPV)