Quốc hội thảo luận về hai Luật thuế (sửa đổi)

01:48 AM 30/10/2015 |   Lượt xem: 3950 |   In bài viết | 

Theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (gọi tắt là Dự thảo Luật về thuế), đối tượng được xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách cổ phần hóa, giao, bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gồm:

Doanh nghiệp Nhà nước thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của doanh nghiệp Nhà nước thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.

Doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này.

Doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh mà nguồn tài chính còn lại không đủ để thanh toán nợ thuế theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phải xem lại đề xuất này để đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp dân doanh.

Không đồng tình với sự ưu ái với doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Lê Minh Thông (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, như vậy, không chỉ không công bằng với các loại doanh nghiệp khác (doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ), mà ngay chính trong nội bộ các doanh nghiệp Nhà nước

“Nếu vậy thì với những doanh nghiệp dù khó khăn nhưng vẫn cố nộp thì sao?”, đại biểu Lê Minh Thông đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Mai Xuân Hùng (Đoàn Hậu Giang), doanh nghiệp nợ nhiều cũng như nợ ít đều được xóa là không công bằng. Trong khi đó, giai đoạn khó khăn vừa qua, thiệt thòi nhất rơi vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân... mà giờ lại xóa nợ cho khối quốc doanh thì hóa ra “Nhà nước vẫn bảo hộ khối này?”.

Dù “cảm thông” với một số khó khăn của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề xuất phải truy thu và truy trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp, đồng thời làm rõ con số nợ thuế sẽ xóa là bao nhiêu tiền để Quốc hội cân nhắc quyết định.

“Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả mà được xóa nợ càng không công bằng. Phải minh bạch vì sao họ nợ thuế, là do cơ chế, khách quan hay chủ quan” - đại biểu Võ Thị Dung ( Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi.


Cũng trong chiều 29/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 5 chương, 22 điều, trong đó tập trung sửa đổi các nội dung: nhóm vấn đề về khuyết khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh; nhóm vấn đề về phù hợp cam kết quốc tế và điều ước quốc tế; đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; v.v...

Theo: Đăng Dương (Nguồn: CPV)