Hỗ trợ hộ nghèo miền trung xây nhà chống bão, lụt

03:56 AM 16/11/2015 |   Lượt xem: 2194 |   In bài viết | 

Ước mong của người nghèo

Xây NPTBL và được tư vấn để xây nhà an toàn, chống chọi được với thiên tai là mong ước của người dân miền trung. Đảng và Nhà nước đã thường xuyên quan tâm công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đặc biệt đã ban hành các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tuy nhiên do đời sống kinh tế phần lớn người dân còn khó khăn nên hiệu quả công tác này vẫn chưa cao, hằng năm khi có bão, lũ lớn, người dân trong vùng vẫn chịu nhiều tổn thất về người và của. Do vậy, từ tháng 6-2012, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 716/QĐ-TTg về triển khai thí điểm hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung tại bảy tỉnh bằng giải pháp nâng cao sàn nhà ở cho người dân với phương châm "sống chung với lũ, lụt".

Chương trình đã hỗ trợ thí điểm mô hình xây dựng NPTBL cho 700 hộ gia đình tại các tỉnh trong khu vực đạt kết quả tích cực, khả thi. Thực tế qua các mùa mưa lũ ở miền trung cho thấy, các hộ được hỗ trợ xây NPTBL đều có nhà ở an toàn trong mùa bão, lũ; người dân an tâm sinh sống, lao động sản xuất, không bị thiệt hại về người và của cải vật chất. Từ thành công này, ngày 28-8-2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng NPTBL khu vực miền trung với mục tiêu hỗ trợ 25.817 hộ nghèo thuộc 13 tỉnh, thành phố trong khu vực (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận) có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Bộ Xây dựng cho biết: Tính đến tháng 10-2015, các địa phương miền trung đã hỗ trợ 4.985 hộ nghèo hoàn thành xây dựng NPTBL, đạt tỷ lệ 19% so với đề án và đạt 18% tổng số hộ sau rà soát toàn chính sách. Như vậy, sau gần một năm thực hiện, chính sách hỗ trợ này đã huy động 443,88 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách T.Ư là 233 tỷ đồng (năm 2014 cấp 100 tỷ đồng, năm 2015 cấp 133 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương: 8,981 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là 132 tỷ đồng; vốn huy động khác là 69,899 tỷ đồng. Ngoài ra, phải kể đến sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội T.Ư và các địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 3.508 hộ nghèo được phê duyệt xây dựng NPTBL theo Quyết định 48 với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng; trong đó, tỉnh đã phân bổ 10,6 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư cấp cho 761 hộ nghèo xây dựng NPTBL giai đoạn 1. Đứng bên ngôi nhà vừa xây xong, bà Nguyễn Thị Chính ở thôn Phú Thanh, xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) cho biết, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay; cuộc sống khó khăn, ở vùng thấp trũng, hằng năm mưa bão liên tục cho nên rất sợ. Được Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng, Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ ba triệu đồng, bà vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng, người thân hỗ trợ tiền công, cho mượn thêm tiền để hoàn thiện ngôi nhà trị giá 58 triệu đồng, mùa mưa bão tới khỏi lo lắng. Còn đối với bà Lê Thị Mét, thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt. “Những người nông dân nghèo, nhất là những người neo đơn như bà làm quần quật suốt năm, chưa tích cóp gì thì bão, lụt ập đến, thế là mất trắng. Khi được Nhà nước hỗ trợ, bà đã vay mượn thêm để cất căn nhà nhỏ hết 30 triệu đồng nhưng rất an toàn. Giờ có thể ngủ ngon, không còn nơm nớp lo sơ tán lúc nửa đêm trong mùa mưa bão” - bà Mét tâm sự.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế Lê Quang Dũng cho biết: Đầu tháng 10-2015, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ 20,636 tỷ đồng (từ ngân sách T.Ư cấp bổ sung năm 2015) để hỗ trợ 1.474 hộ nghèo tại các huyện, thị xã trên địa bàn xây NPTBL. Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 2.235 trong số 3.508 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng NPTBL theo Quyết định 48 với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Qua kiểm tra, các hộ nghèo được hỗ trợ xây NPTBL đều phấn khởi; các nhà khi hoàn thành đều có sàn sử dụng vượt mức ngập cao nhất tại vị trí xây dựng, có diện tích tối thiểu từ 15 m2 và đều xây một tầng trở lên; chất lượng NPTBL tương đương gian nhà ở kiên cố; đa số nhà có giá thành từ 30 đến 40 triệu đồng, tất cả đều bảo đảm chất lượng và chiều cao sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng NPTBL khu vực miền trung đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, nhưng số hộ dân nghèo được hỗ trợ chưa đạt 20% (4.985 trong tổng số 25.817 hộ). Đặc biệt, sau khi rà soát các đối tượng được hưởng chính sách này, hiện còn hơn 28 nghìn hộ nghèo chưa được hỗ trợ xây dựng NPTBL. Một trong những vướng mắc ảnh hưởng lớn tiến độ hỗ trợ hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư về cho các địa phương chậm, như năm 2014 đến tháng 11 mới phân bổ vốn nên các địa phương không kịp triển khai. Năm 2015 cũng vậy, đến nay vốn vừa mới được phân bổ; nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thời gian đầu không được giải ngân đồng bộ nên người dân không đủ kinh phí để làm nhà; việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm còn gặp nhiều khó khăn. Tại phần lớn địa phương miền trung, một số hộ nghèo không muốn vay vốn, do sợ không có khả năng trả; công tác thiết kế chưa phù hợp yêu cầu NPTBL. Tiến độ thực hiện tại một số địa phương còn chậm so kế hoạch. Nhiều hộ thuộc đối tượng hỗ trợ xây NPTBL nằm trong vùng thấp trũng nên việc gia cố nền, móng rất tốn kém, nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn thấp. Tại một số địa phương, công tác thiết kế chưa có sự đầu tư nghiên cứu để phù hợp yêu cầu của NPTBL.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa Trịnh Tuấn Thành, tiến độ triển khai bị chi phối, gián đoạn do các hộ nghèo chủ yếu làm nghề nông, phụ thuộc vào mùa vụ; phong tục, tập quán ở các địa phương khác nhau nên việc triển khai chưa đồng bộ. Các hộ gia đình đều xây nhà kết hợp phòng tránh bão lụt nên chi phí bị đội lên, trong khi đó, số tiền hỗ trợ của Nhà nước nhiều nhất là 16 triệu đồng/hộ và vốn vay ưu đãi là 15 triệu đồng/hộ, đáp ứng khoảng 50% giá trị của ngôi nhà. Do đó, nhiều hộ gia đình đăng ký cải thiện nhà ở nhưng đến nay không đủ khả năng thực hiện.

Tại Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Nhất cho rằng, quá trình triển khai thực hiện, có một số địa phương nằm trong khu vực bị bão, lụt với mức ngập lụt thường xuyên cao hơn 1,5m tính từ nền nhà, trong khi nhiều hộ có nhà ở đơn sơ, tạm bợ trong vùng này không có điều kiện để xây NPTBL nhưng đang cư trú tại một số khu vực về tên gọi hành chính là khu phố thuộc phường, thị trấn với điều kiện sống, sinh hoạt mang đặc tính của khu vực nông thôn, nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông - ngư nghiệp nên không thể thực hiện hỗ trợ theo quy định. Còn ở Quảng Ngãi, một số hộ thuộc đối tượng hỗ trợ có nguyện vọng di dời đến vị trí cao hơn để tránh lũ, lụt nhưng theo Quyết định 48 thì chưa quy định rõ các đối tượng này có được hỗ trợ hay không. Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Hiệp đề xuất: “Cần hướng dẫn cụ thể các đối tượng có tên trong danh sách phê duyệt nhưng đến nay (năm 2015) đã thoát nghèo, cũng như các hộ có trong đề án nhưng muốn di dời đến vị trí cao hơn để tránh lũ thì có được hỗ trợ theo quy định hay không?”.

Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, qua kiểm tra thực tế, các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ và thực hiện, tránh trường hợp những hộ quá nghèo xin rút ra khỏi chương trình. Tiến độ thực hiện tại một số địa phương còn chậm so với kế hoạch ban đầu, do đó, cần tăng cường hướng dẫn, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ, tránh thiệt hại khi mùa mưa bão về. Để chính sách hỗ trợ hộ nghèo miền trung xây dựng NPTBL đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép bố trí vốn hỗ trợ để hoàn thành toàn bộ chương trình trước mùa mưa bão 2016. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ, bảo đảm hộ nghèo có đủ tiền và được cấp vốn kịp thời để làm NPTBL.

Theo: Nguyễn Công Hâu (Nguồn: Báo Nhân dân)