Ghập nghềnh con chữ bản Dao
09:29 AM 19/11/2015 | Lượt xem: 2333 In bài viết |Bản Đồng Măng thuộc xã vùng cao Trung Sơn, huyện Yên Lập (Phú Thọ) nằm lọt thỏm giữa bốn bề là những dãy núi cao hùng vĩ. Từ trung tâm xã vào điểm trường Đồng Măng dài gần 10 cây số, đường quanh co, gập ghềnh, bên núi cao, bên vực thẳm. Vì vậy việc đến trường học cái chữ của các em nơi đây cũng ghập ghềnh vất vả như đi trên con đường vào bản.
Biết chúng tôi có nguyện vọng lên
thăm điểm trường này, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn Đinh Văn Lúa cho biết: Đường
vào bản rất khó đi, nếu không có người bản địa đi cùng thì chúng tôi không thể
tự vào được và bố trí ba cán bộ đưa chúng tôi tới điểm trường bản Dao. Trước khi
vào bản, Bí thư Lúa còn vỗ vai chúng tôi căn dặn: Nhớ đi cẩn thận, đừng sợ vì có
cán bộ của xã đi cùng.
Từ trung tâm xã Trung Sơn vào bản Đồng Măng phải qua ba con suối và vô số lần
lên dốc, xuống đèo. Mặt đường trơ đá tai mèo sắc nhọn khiến những con “ngựa sắt”
chở chúng tôi vừa ì ạch leo dốc vừa phải né, tránh. Không chỉ vậy, do một bên
đường là bìa rừng, một bên là vực sâu, đường đi uốn lượn theo kiểu rắn bò khiến
người ngồi sau còn căng thẳng hơn cả người cầm lái. Hai bên đường, cỏ lau “lì
lợm” quét ngang mặt. Thỉnh thoảng, gặp những viên đá to khiến xe cứ nhảy chồm
chồm như muốn hất chúng tôi khỏi xe.
Sau gần một tiếng vật lộn với đoạn đường gần 10 km, chúng tôi đã tới điểm trường
Đồng Măng. Đón chúng tôi là cô Đinh Thị Đào, hiệu trưởng và cô Đinh Thị Huyền
hiệu phó Trường mầm non Trung Sơn cùng các thầy cô giáo dạy lớp cắm bản tại đây.
Chỉ tay vào ngôi nhà gỗ vách bằng phên tre nứa, mái lợp lá cọ, cô Đào cho biết:
“Sáng nay chúng tôi vào lớp cắm bản để cùng các giáo viên ở đây hoàn thiện nốt
phần mái của ngôi nhà này cho giáo viên ở”.
Điểm trường Măng có 73 học sinh tiểu học, 30 học sinh mầm non của bản và các bản
khác là: Khe Bằng, Khe Bóp, xóm Gầy, xóm Thanh Xuân. Tuy đã có trường xây kiên
cố, trang thiết bị dạy học tương đối đầy đủ, nhưng đường tới con chữ của học
sinh bản Dao còn vất vả lắm. Có em học sinh tiểu học nhà cách điểm trường này
bảy km nên phải ở trọ nhà dân và đến cuối tuần mới về nhà. Có em nhà ở cuối bản
Đồng Măng, cách trường bốn km nên buổi trưa ở lại trường ăn gói mì tôm qua bữa
để đợi buổi học chiều. Ngay nhà trưởng bản Phùng Xuân Doanh cũng có chục cháu
học tiểu học ở trọ để học.
Đầu tuần, gia đình đưa các cháu đến gửi kèm theo mấy cân gạo, cuối tuần có cháu
gia đình đến đón, có cháu tự trèo đèo, vượt suối về nhà. Em Dương Thị Trà My cho
biết: “Nhà cháu ở xa nên sáng chị em cháu đi học, trưa cháu ở lại mua mì tôm
sống ăn, chiều học xong chị em cháu mới về nhà. Mỗi ngày bố mẹ cho 10 nghìn đồng
để hai chị em ăn trưa”. Còn cậu bé Phùng Tuấn Anh học sinh lớp 3C nhà ở xóm Gầy
vừa nhồm nhoàm nhai cơm vừa trả lời: “Cháu ở trọ nhà bác Doanh trưởng bản đến
cuối tuần bố đến đón về nhà”.
Đồng Măng nghèo, Đồng Măng chưa có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn. Bản có
58 nóc nhà, 220 khẩu nhưng có tới bảy dân tộc anh em sinh sống, trong đó, chủ
yếu là người Dao. Cái nghèo hiện hữu ngay trên từng con đường đất trong bản và
trên nóc nhà các hộ dân. Cả bản chỉ có duy nhất ngôi nhà xây của gia đình trưởng
bản Phùng Xuân Doanh ở ngay cổng trường và cũng là nhà đầu tiên của bản kinh
doanh xăng và bán những thứ đồ bánh, kẹo, mì tôm…
Nhìn những đứa trẻ học tiểu học chơi đùa chạy nhảy, trưởng bản Doanh trầm giọng:
“Có trường có lớp, có giáo viên cắm bản, học sinh ở đây giờ không sợ thất học
nhưng hành trình đến với con chữ cũng cheo leo vất vả như đường vào bản vậy.
Những năm trước, chúng tôi và các thầy cô giáo phải băng rừng đến từng nhà vận
động gia đình cho con đến trường, vất vả là thế nhưng cũng được đền đáp vì bản
có học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Tuy nghèo khó song gia đình vẫn vay mượn ngân
hàng cho con ăn học với hy vọng, có kiến thức cuộc sống gia đình sẽ đỡ vất vả
hơn”.
Bữa trưa với các thầy cô giáo trường mầm non trong ngôi nhà mà phụ huynh góp tre
nứa, gỗ dựng cho các giáo viên cắm bản thật vui vẻ, đầm ấm. Những câu chuyện của
giáo viên trẻ người vùng cao kể về con đường đến với nghề giáo viên của họ gập
nghềnh như đường vào bản.
Thầy giáo mầm non cắm bản Đinh Văn Bàn cho biết: nhà thầy ở khu trung tâm xã.
Sau khi tốt nghiệp đại học Hùng Vương, thầy về xã dạy hợp đồng tại trường tiểu
học. Hết hợp đồng, thầy xin vào dạy hợp đồng ở trường mầm non và dạy ở lớp cắm
bản Đồng Măng. Cách nhà chưa đầy 10 km nhưng cả tuần thầy mới về nhà một lần
thăm vợ con, bởi đường gập ghềnh khó đi. Thầy Bàn kể: “Có hôm đang trên đường về
thì trời đổ mưa lớn, đường đất nhão, trơn trượt nên tôi đành để xe lại bên đường
mà cuốc bộ về nhà và hôm sau mới quay lại lấy xe”.
Giáo viên yêu nghề, mến trẻ, học sinh yêu con chữ, quý thầy cô lặn lội tới
trường. Gian nan vất vả là thế nhưng các thầy cô giáo dạy học ở lớp cắm bản nơi
đây không hề phàn nàn. Với họ, được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức lại
cho các em học sinh nơi khó khăn là niềm vui, niềm tự hào.
Hằng ngày, chứng kiến những đứa trẻ mùa đông đốt đuốc co ro cuốc bộ đến lớp
trong giá rét mới hiểu rõ sự đổi thay trong nhận thức của người dân nơi đây về
việc học. Với họ, có con chữ cuộc sống sẽ bớt vất vả hơn. Tuy nhiên, đường đến
với con chữ nơi đây gập nghềnh bao nhiêu thì đường đem con chữ về bản cũng gập
nghềnh không kém và cũng có nhiều điều trăn trở, khó nói thành lời.
Mặt trời đã khuất núi, sương mù mang không khí lạnh đầu đông tràn về Đồng Đăng.
Chia tay những đứa trẻ lấm lem nhưng ham học, những thầy cô giáo với khát vọng
con chữ của mình sẽ đem lại một tương lại sáng cho các em. Từ đỉnh đèo ngoái
nhìn lại, điểm trường Đồng Măng như một điểm sáng giữa đại ngàn của núi rừng Tây
Bắc.
Theo: Ngọc Long - Trung Kiên (Nguồn: Báo Nhân dân)