Nhất quán quy định hỗ trợ học sinh dân tộc khó khăn
10:08 AM 20/11/2015 | Lượt xem: 2278 In bài viết |Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tích hợp các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, bổ sung nội dung chính sách đặc thù cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có chính sách hợp đồng nhân viên cấp dưỡng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo văn bản tích hợp các chính sách được quy định tại các Quyết định số: 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú; số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo được xây dựng theo hướng nhất quán về đối tượng và đơn giản về hồ sơ, thủ tục.
Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ
Theo dự thảo, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ được đề xuất thống nhất như sau:
Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải thuộc một trong các trường hợp sau: 1- Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú; 2- Là học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, trung học cở sở công lập ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; 3- Là học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, trung học cở sở công lập ở xã khu vực II; bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; gia đình thuộc hộ nghèo.
Đối với học sinh trung học phổ thông phải thuộc một trong các trường hợp sau: 1- Nếu học sinh là người dân tộc thiểu số thì phải đảm bảo các điều kiện: Đang học cấp trung học phổ thông tại trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông) công lập; bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập. 2- Nếu học sinh là người dân tộc Kinh, ngoài các điều kiện (1) còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.
Mức hỗ trợ
Theo dự thảo, học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở và gạo. Cụ thể, hỗ trợ tiền ăn: mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Hỗ trợ nhà ở: đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường được, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Hỗ trợ gạo: mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, ti vi, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; kinh phí thuê, khoán nhân viên cấp dưỡng cho học sinh bán trú trong trường theo định suất 1 người/30 học sinh ăn bán trú tại trường; mức hỗ trợ tối thiểu bằng 1,35 lần mức lương cơ sở /1 người/1 tháng.
Trường phổ thông có học sinh ở bán trú được hỗ trợ kinh phí thuê, khoán nhân viên cấp dưỡng cho học sinh bán trú trong trường theo định suất 1 người/30 học sinh ăn bán trú tại trường: mức hỗ trợ tối thiểu bằng 1,35 lần mức lương cơ sở /1 người/1 tháng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo: Tuệ Văn (Nguồn: baochinhphu.vn)