Quốc hội thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi): Bổ sung trách nhiệm hình sự pháp nhân
10:22 AM 30/11/2015 | Lượt xem: 3501 In bài viết |Bộ luật hình sự (sửa đổi) gồm 26
chương, 426 điều quy định về tội phạm và hình phạt.
Đáng chú ý, Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này bổ sung trách nhiệm hình sự pháp
nhân. Theo đó, quy định rõ: Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được
quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể,
tại Điều 76 Bộ luật hình sự quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự
thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương
các tội phạm về môi trường (Chương XIX).
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình
sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Về
trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân,
nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp
nhân vào Bộ luật hình sự và quy định phạm vi TNHS của pháp nhân như dự thảo; một
số ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa phạm vi TNHS của pháp nhân; có ý kiến đề nghị
chỉ giới hạn phạm vi TNHS của pháp nhân đối với các tội danh thuộc nhóm tội phạm
về kinh tế, môi trường. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì áp dụng hình
phạt sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy: Quy định TNHS của pháp nhân là nội
dung mới trong lần sửa đổi này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về
lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung quy định này vào Bộ luật hình sự là cấn thiết
nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với
các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp
nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả lấy ý kiến nhân
dân và lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bằng phiếu cho thấy, đa số đều
tán thành việc bổ sung quy định TNHS và phạm vi chịu TNHS của pháp nhân như dự
thảo Bộ luật hình sự. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo Bộ
luật hình sự quy định về TNHS của pháp nhân.
Không thi hành án tử hình với người từ 75 tuổi trở lên và đã nộp lại ít nhất ¾
tài sản tham nhũng
Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình (Điều
40), nhiều ý kiến tán thành quy định tại khoản 3 Điều 40 Dự thảo; có ý kiến đề
nghị vẫn áp dụng hình phạt tử hình với người từ đủ 75 tuổi trở lên nếu phạm tội
xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, tội phạm về ma túy.
UBTVQH nhận thấy, việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ
75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối
với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của
Nhà nước ta. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo (khoản 2 và
khoản 3 Điều 40).
Một số ý kiến đề nghị bỏ điểm c khoản 3 Điều 40 Dự thảo; có ý kiến đề nghị xác
định cụ thể tình tiết “chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình
gây ra…" tại điểm c khoản này.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điểm c khoản 3 Điều 40 theo
hướng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử
hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp
lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức
năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Đoàn thư
ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH, kết quả cho thấy, đa số ĐBQH tán
thành quy định này. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại điểm c khoản 3
Điều 40 dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)…/.
Theo: Thu Hằng (Nguồn: CPV)