Chủ tịch nước: Cần hết sức cảnh giác với việc “xâm lăng văn hóa”
11:47 AM 05/10/2015 | Lượt xem: 3928 In bài viết |Ngày 4/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh tới bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về nội hàm văn hóa; về vị trí, vai trò của văn hóa, của con người trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa cần được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo Chủ tịch nước, để tiếp tục phát triển, hoàn thiện nền văn hóa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, chúng ta rất cần quan tâm xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa pháp luật, văn hóa lao động, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao tiếp, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa gia đình…Hiểu sâu sắc hơn quan niệm về văn hóa, chúng ta mới làm giàu thêm tính chất nhân văn, nhân đạo, dân chủ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng, xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị cao đẹp của con người Việt Nam phù hợp chuẩn mực của toàn xã hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Văn học nghệ thuật có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp. Chúng ta cần phát huy ưu thế đặc thù của văn học, nghệ thuật trong nhiệm vụ cao cả là xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Văn nghệ sỹ không chỉ chuyên chở “đạo làm người” trong tác phẩm của mình, mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng tăng lên của nhân dân.
Chủ tịch nước cho rằng, trong thời gian tới, cần phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế, chúng ta cần hết sức cảnh giác với việc “xâm lăng văn hóa”, những biểu hiện lai căng lấn át bản sắc văn hóa dân tộc.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mong mỏi các văn nghệ sĩ ngày càng sáng tạo nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực sinh động, chân thật, sâu sắc sự nghiệp của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các tác phẩm cần biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại, đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ con người với con người, giữa con người với xã hội , với thiên nhiên, phê phán thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn.
Chủ tịch nước cho rằng, việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống trong giai đoạn đầu đời của mỗi con người có vị trí đặc biệt quan trọng, đòi hỏi văn nghệ sĩ cần coi trọng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật cho thiếu niên, nhi đồng, gắn chặt với việc nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ, dạy văn học, nghệ thuật trong hệ thống giáo dục phổ thông. Cùng với đó, đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần phát triển số lượng, chất lượng, làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội trong quá trình sáng tác, quảng bá, biểu diễn văn học, nghệ thuật.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo khoa học này sẽ góp phần làm cho toàn Đảng , toàn dân, nhất là những nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với quá trình xây dựng con người phát triển toàn diện nói chung và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của con người nói riêng. Đội ngũ các nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ có sứ mạng cao quý là chiến sĩ xung kích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vinh dự lớn đi liền với trách nhiệm lớn. Chủ tịch nước đã gửi lời chúc tới các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ mắt sáng, lòng trong, có tài năng nghệ thuật và khát vọng sáng tạo mãnh liệt, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, trực tiếp bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho các thế hệ người Việt Nam, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Báo cáo tổng kết Hội thảo khoa học toàn quốc về chủ đề “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, sau một ngày rưỡi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận và tranh luận sôi nổi, cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc đã thành công tốt đẹp. Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được gần 100 báo cáo tham luận. Trong số các tham luận, có sự đóng góp của hầu hết các nhà khoa học đầu ngành, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật ở các Hội chuyên ngành Trung ương, các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn nghệ, các cán bộ chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ cùng nhiều cơ quan báo chí, xuất bản, nhiều văn nghệ sĩ là chủ thể sáng tạo trong cả nước.
Đây là hoạt động thường niên trong nhiều năm nay của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhằm tiếp tục triển khai có kết quả Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 9 (khóa XI) mới đây về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau trao đổi và làm rõ về khái niệm nhân cách con người cũng như đánh giá thực trạng nhân cách con người hiện nay và nguyên nhân. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam vẫn là một trong những vấn đề cốt lõi, thời sự, cấp bách của sự phát triển bền vững đất nước, đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng là đòi hỏi cấp thiết của công chúng đối với nền văn nghệ của đất nước trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, các đại biểu đã tập trung đưa ra những quan điểm về thực trạng văn học, nghệ thuật trong việc tham gia xây dựng nhân cách con người cũng như những giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để văn học, nghệ thuật thật sự phát huy vai trò quan trọng đối với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Các giải pháp được nhấn mạnh chủ yếu tại Hội thảo trước hết đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam; tăng cường công tác quản lý của ngành giáo dục –đào tạo và các ngành liên quan. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết phải mở rộng sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành liên quan; cần tiếp tục đổi mới, bổ sung cơ chế chính sách; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để làm tốt vai trò gắn bó, đồng hành, định hướng các hoạt động sáng tạo.
Vương Lê (dangcongsan.vn)