Một số kết quả thực hiện cải cách tài chính công tại tỉnh Bình Định

06:07 PM 04/10/2015 |   Lượt xem: 6886 |   In bài viết | 

Tài chính công ở nước ta bao gồm: ngân sách nhà nước (NSNN) từ trung ương đến địa phương; dự trữ nhà nước; tín dụng nhà nước; ngân hàng nhà nước; tài chính của các cơ quan hành chính nhà nước; tài chính của các đơn vị sự nghiệp nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước. Trong đó, NSNN được xem là bộ phận quan trọng nhất, chi phối đến các thành tố khác.

Ngày 08/11/2011, Chính phủ đã có Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó xác định 06 nhiệm vụ cải cách hành chính là: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Qua đó cho thấy cải cách hành chính không thể tách rời với cải cách tài chính công.

Cải cách tài chính công đóng một vai trò rất lớn trong cải cách hành chính, nó tác động tới cải cách hành chính nhà nước cả ở phạm vi rộng và phạm vi hẹp. Xét trên phạm vi rộng, cải cách tài chính công là cải cách các hoạt động thu và chi bằng tiền của nhà nước, thông qua đó tác động đến toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên các lĩnh vực. Trên phạm vi hẹp, vai trò của tài chính công đối với cải cách hành chính được xem xét thông qua các tác động trực tiếp của tài chính công tới bản thân bộ máy hành chính nhà nước, cụ thể tới cách thức tổ chức bộ máy, cơ cấu tổ chức, quan hệ phân cấp trong bộ máy, cơ chế tài chính bên trong bộ máy, tiền lương công chức... Những tác động nêu trên gắn liền với các nội dung của cải cách hành chính mà chúng ta đang tiến hành.

Ở tỉnh Bình Định, thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 24/8/2011 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; giảm thiểu chi phí về thời gian và tài chính của xã hội trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính. Là một trong những cơ quan tài chính ở địa phương, Sở Tài chính không những tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nói chung mà còn chuyên sâu vào lĩnh vực cải cách tài chính công.

Trong 3 năm gần đây, Sở Tài chính đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện công tác cải cách tài chính công tập trung vào các nội dung như: triển khai trên diện rộng cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; đẩy mạnh việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương; hoàn thiện các chế độ, định mức phân bổ, định mức chi tiêu; tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách; ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách ở các cấp…

Qua triển khai, công tác cải cách tài chính công trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt được một số kết quả bước đầu như sau:

Về triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đến nay, đối với khối tỉnh đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính tại cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ cho 53/64 sở, ban, đơn vị quản lý nhà nước, đạt tỷ lệ 100% tổng số đơn vị quản lý hành chính (còn lại 8 Ban thuộc khối Đảng, Hội Chữ thập đỏ, Hội Văn học nghệ thuật chưa thực hiện). Đối với cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, đã có 161/170 đơn vị, chiếm tỷ lệ 94,7% (trong đó 26 đơn vị tự bảo đảm hoạt động, 90 đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên và 45 đơn vị cấp toàn bộ kinh phí hoạt động). Ở cấp huyện, đã có 11/11 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP cho 84/106 đơn vị dự toán trực thuộc; 10/11 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ; quản lý và sử dụng tài sản công của cơ quan, đơn vị phù hợp và đúng theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch về tài chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về điện, nước, điện thoại, công tác phí, văn phòng phẩm, khánh tiết, hội họp, …

Về việc thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương, trong giai đoạn ổn định ngân sách 2011-2015, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 về việc quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền đia phương giai đoạn 2011-2015. Căn cứ theo quy định phân cấp và các chế độ, chính sách, nhiệm vụ phát sinh trong từng năm, Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị lập dự toán; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND quyết định giao dự toán; hướng dẫn thưc hiện dự toán; hướng dẫn kết sổ kế toán trên hệ thống Tabmis vào thời điểm cuối năm; kiểm tra, hướng dẫn quyết toán ngân sách theo niên độ. Nhờ đó, chu trình ngân sách từ khâu lập dự toán cho đến chấp hành và quyết toán ngân sách vận hành hiệu quả, ổn định.

Đối với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, ngân sách. Sở Tài chính không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức giao diện của Trang thông tin điện tử Sở Tài chính để công bố công khai những thông tin cần thiết về tài chính, ngân sách, giá cả, các thủ tục hành chính, biểu mẫu hồ sơ, văn bản, các công cụ, phần mềm tin học ứng dụng liên quan,… cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử trong công tác văn thư, hệ thống hộp thư điện tử công vụ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo và tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức trao đổi, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn. Triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) tại Sở Tài chính và các phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện Chương trình cấp phát và quản lý mã số đơn vị sử dụng ngân sách, dự án đầu tư XDCB trực tiếp với Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), Chương trình quản lý công sản của Bộ Tài chính, Phầm mềm Quản lý Ngân sách Nhà nước 8.0, Phầm mềm quản lý Ngân sách xã KTXA 5.5.10, … Công tác đào tạo, tập huấn về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức thuộc Sở Tài chính và phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố đã được triển khai thường xuyên, liên tục góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài chính, ngân sách các cấp.

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng công tác cải cách tài chính công vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

Một là, việc thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP đối với cấp huyện còn gặp nhiều lúng túng, còn một số đơn vị chưa triển khai thực hiện hoặc có đơn vị triển khai còn mang tính hình thức.

Hai là, về phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền: tại điểm 2 Điều 23 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 “Ngân sách cấp xã được hưởng tối thiểu 70% của 5 khoản thu (thuế chuyển quyền sử dụng đất; thuê nhà đất; thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình; lệ phí trước bạ nhà đất). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có tình trạng một số xã thừa nguồn đảm bảo được nhiệm vụ chi, trong khi có xã nguồn thu thiếu chưa đảm bảo được nhiệm vụ chi, không thực hiện điều hòa được, gây khó khăn trong quản lý ngân sách. Hiện nay, Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 đang được Bộ Tài chính trình dự thảo sửa đổi, bổ sung.

Ba là, việc đầu tư, nâng cấp thiết bị công nghệ, phần mềm, hệ thống mạng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua tuy đã được chú trọng. Nhưng do khó khăn về kinh phí nên một số nơi (nhất là ở cấp huyện, xã) việc đầu tư chưa đồng bộ, công tác đào tạo, tập huấn cho người sử dụng, khai thác công nghệ chưa thường xuyên… dẫn đến không phát huy hết hiệu quả của công nghệ thông tin trong cải cách tài chính công.

Trong thời gian tới, để triển khai tốt công tác này, Sở Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai kịp thời các văn bản về chế độ, chính sách tài chính theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trong từng giai đoạn; chủ động đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện ở các ngành, các cấp của địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách tài chính và thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tài chính công./.

Lê Thị Quyên (Sở tài chính tỉnh Bình Định)