Thầy thuốc của buôn làng
02:04 PM 03/10/2015 | Lượt xem: 2843 In bài viết |Bác sĩ Nay Blum (dân tộc Bahnar - ảnh), Trưởng trạm Y tế xã Glar (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) được coi là "điểm tựa" trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các buôn làng. Ai cũng quý trọng và mến phục bác sĩ. Là thầy thuốc ở vùng sâu, bác sĩ Nay Blum thường đi tìm bệnh nhân, chứ không thể để bệnh nhân phải tìm đến thầy thuốc.
Bác sĩ Nay Blum (dân tộc Bahnar - ảnh), Trưởng trạm Y tế xã Glar (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) được coi là "điểm tựa" trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các buôn làng. Ai cũng quý trọng và mến phục bác sĩ. Là thầy thuốc ở vùng sâu, bác sĩ Nay Blum thường đi tìm bệnh nhân, chứ không thể để bệnh nhân phải tìm đến thầy thuốc.
Cả12 buôn làng dân tộc trong xã đều cách trung tâm xã khá xa, lên tới hàng chục cây số, đường đi lại khó khăn. Bác sĩ Nay Blum thường cùng các nhân viên y tế thôn bản và các nhân viên của trạm y tế lặn lội đến các buôn làng để tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho đồng bào các dân tộc.
Bác sĩ Nay Blum sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở làng K'Tu, xã Glar. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Nay Blum rất có ý chí học tập. Năm 1988, ở tuổi 19, Nay Blum rời buôn làng theo học trường Trung cấp Y tế Gia Lai và đến năm 1991, bác sĩ Nay Blum trở về làng công tác, trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Một thời gian sau, bác sĩ Nay Blum theo học hệ bác sĩ tại Huế trong thời gian 5 năm, sau đó lại trở về công tác ở trạm y tế xã.
Năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng Trạm y tế xã, nhưng chưa tìm ra quỹ đất; vợ chồng bác sĩ Nay Blum đã quyết định hiến toàn bộ 6 sào đất rẫy của gia đình mình (gần trung tâm xã) để xây dựng trạm y tế. Vợ chồng bác sĩ Nay Blum còn nhận 4 trẻ nhỏ ở các buôn làng khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi.
Hiện nay, bác sĩ Nay Blum cùng các cán bộ ở trạm Y tế xã Glar đã thực hiện việc kết hợp tây y và đông y trong công tác điều trị, xây dựng vườn thuốc nam với hơn 40 loại cây thuốc. Từ khi có trạm y tế xã, người dân ở xã đã chủ động đến trạm để khám chữa bệnh. Bình quân mỗi tháng trạm tiếp nhận hàng trăm người đến khám bệnh, chưa kể số bệnh nhân được khám ngay tại buôn làng.
Văn Thông (baotintuc.vn)