Cuộc sống mới ở chân núi Ka Đay

10:50 AM 03/11/2010 |   Lượt xem: 2765 |   In bài viết | 
Trước kia, người Mã Liềng ở trong rừng sâu, săn bắt, hái lượm và có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2001, Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện đề án xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ở bản Rào Tre nhằm bảo tồn dân tộc Mã Liềng. Bộ đội Biên phòng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể ở địa phương và cử cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền, vận động và khám, chữa bệnh cho bà con. Sau đó lập tổ công tác thực hiện “ba cùng” với bà con bản Rào Tre. Để phát triển sản xuất, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đóng góp tiền mua sắm các công cụ phục vụ sản xuất như cày, bừa, máy cày, máy tuốt lúa, tivi, loa truyền thanh, làm cầu, đường vào bản... trị giá hàng trăm triệu đồng. Đồng thời mỗi cán bộ, chiến sĩ là những cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, là thầy giáo, thầy thuốc của đồng bào. Tổ công tác trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn bà con cách cày bừa, cấy lúa nước, làm thủy lợi, chăn nuôi để tự túc lương thực, đảm bảo cuộc sống; hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, trồng các giống lúa lai ngắn ngày để tăng năng suất và trồng cây keo để phát triển rừng. Có những việc bộ đội phải làm đi làm lại nhiều lần, nhiều ngày dân mới hiểu và làm theo. Người Mã Liềng đã biết cầm cái cày, cái cuốc ra đồng vào mỗi buổi sáng để làm ra hạt thóc, hạt gạo, biết chăn nuôi cải thiện cuộc sống gia đình. Bà Hồ Nga, người sống ở bản Rào Tre từ khi lập bản cho biết: “Trước đây, người Mã Liềng chỉ đào củ mài, săn con thú ở trên rừng sống qua ngày, khổ lắm. Nhờ có Đảng, có chính quyền, có Bộ đội Biên phòng cuộc sống mới của bà  con đã được no đủ”.

Khi ra khỏi rừng xanh, người Mã Liềng ở bản Rào Tre không biết chữ, nói tiếng Kinh không thạo. Cùng với việc phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng mở lớp xóa mù chữ cho tất cả bà con đã quá tuổi đi học mà chưa biết chữ. Dù những bước chân đến lớp học còn lạ lẫm, những bàn tay viết chữ còn nguệch ngoạc, những giọng đọc còn chưa rõ, nhưng đến nay rất nhiều người ở bản Rào Tre đã biết đọc, biết viết, biết được cái chữ phổ thông, cái chữ giúp họ giao lưu với cộng đồng. Trưởng bản Hồ Kính-người Mã Liềng biết chữ đầu tiên nói: “Cái chữ của người Kinh hay thật, nó ghi lại được tên mình, tuổi mình. Từ nay, người của bản biết năm sinh tháng đẻ, con cháu người Mã Liềng có thể suy nghĩ xa hơn ngọn núi Ka Đay rồi. Học chữ giúp cho mình hiểu được nhiều điều “kỳ lạ” mà bao đời nay người Mã Liềng chưa hề nghĩ tới”.

Rồi lớp cắm bản được mở tại bản Rào Tre để dạy chữ cho các em đến tuổi đi học. Khi có lớp học tại bản, người Mã Liềng đã ý thức cho con mình đi học. Họ đã nói cho nhau rằng, khi con cái lớn lên phải cho nó đến lớp, đến trường. Chỉ có học chữ mới làm ra cây lúa trĩu hạt, cây ngô nhiều bắp. Có rất nhiều người đã biết suy nghĩ xa hơn khi cho con đi học nội trú. Từ ngày ba đứa con đi học ở thị trấn Hương Khê, hai vợ chồng Hồ Sâm thấy vui nhiều. Hồ Sâm khoe: “Ông cha mình đã không biết đến cái chữ là gì và đến mình chỉ biết được mấy chữ. Giờ đây nhà mình không có gì vui bằng khi thấy các con đi học mỗi năm đều cầm giấy khen học khá, học giỏi. Vợ chồng mình tự hào lắm”.

Trưởng bản Hồ Kính phấn khởi nói: “Hiện nay, bản Rào Tre đang có 40 em học sinh theo học các cấp. Từ khi có con chữ, người Mã Liềng mình hiểu biết ra nhiều. Người Mã Liềng mình rất tự hào có hai em Hồ Văn Kham và Hồ Thị Xuân là sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Giấc mơ vượt núi bao đời nay của người Mã Liềng đang đặt vào tương lai của bọn trẻ”.

Có được cái chữ đồng nghĩa với trình độ dân trí của bà con nơi đây được cải thiện và nâng lên. Trước kia, người Mã Liềng mắc nhiều dịch bệnh như sốt rét, đường ruột, đau mắt hột, bệnh ngoài da... Nghèo đói, lạc hậu, không có thuốc điều trị, tin vào ma rừng, ma núi, nhà có người ốm mời thầy mo cúng. Bộ đội Biên phòng đến từng nhà tuyên truyền vận động bà con ăn, ở vệ sinh, khám bệnh, cấp thuốc cho bà con và họ đã biết đến trạm xá xã để chữa bệnh. Từ ngày có trạm xá bà con ở bản nhất là trẻ nhỏ đã bớt đau ốm. Có lẽ khắc sâu mãi trong mỗi người phụ nữ Mã Liềng là chuyện sinh đẻ mà họ gọi là dấu ấn của rừng còn sót lại. Phụ nữ từ khi chửa cho đến khi đẻ, đàn ông dựng một cái chòi, lợp lá gianh và đưa vợ ra đó ở một mình. Cái chòi luôn nằm cạnh bờ suối, khi sinh xong, người vợ lấy lá cây múc nước tắm cho đứa trẻ.

Người Mã Liềng xem đứa trẻ sinh ra chỉ có mẹ ở bên. Họ nói con hươu, con nai sinh ra đã tự đi được. Đứa trẻ Mã Liềng sinh ra cũng phải làm được như thế, sau này mới khuất phục được thần núi, thần sông… Ngày nay định cư ở chân núi Ka Đay, gần trạm xá Hương Liên, đàn ông Mã Liềng đã biết đưa vợ mình tới nhà hộ sinh.

Tâm sự với chúng tôi, trưởng bản Hồ Kính nói: “Nhờ bộ đội cắm bản mà người Mã Liềng biết cái chữ, có hạt gạo trắng ăn, khi ốm có trạm xá. Bây giờ, người Mã Liềng không còn lo con ma rừng (sốt rét) nó quấy. Thuốc của các chú bộ đội quân hàm xanh đã xua nó lâu rồi. Người ở bản chỉ có việc lo làm ăn, cả 130 hộ trong bản đã biết làm ruộng nước, biết lo cho con cháu mình đi học. Cuộc sống ở bản Rào Tre hôm nay đã đầy đủ hơn, cái bếp ấm cúng hơn, nhà nào cũng có bắp treo, gạo đầy trong ché”.

Với người Mã Liềng ở bản Rào Tre, tất cả những gì thuộc về họ hôm nay đều nhờ ơn Bác Hồ, nhờ ơn Đảng, nhờ những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cùng công lao to lớn của bộ đội biên phòng. Có cái ăn, cái mặc, người Mã Liềng bản Rào Tre còn được biết đến cái chữ. Quá trình bắt đầu một cuộc sống định cư, một cuộc sống mới ngoài những cánh rừng già của người Mã Liềng, tộc người một thời từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ở bản Rào Tre là một sự phục sinh kỳ diệu.

Nguyễn Kim Nhung (Nguồn: Tạp chí Dân tộc - Số 117/2010)