Ưu tiên các trường phổ thông dân tộc nội trú

11:18 AM 11/11/2013 |   Lượt xem: 1594 |   In bài viết | 

Huyện Bình Gia có địa hình đồi núi chia cắt, do vậy việc đi học của các em học sinh ở các xã vùng 3 gặp rất nhiều khó khăn. Thầy La Văn Dương - Hiệu trưởng Trường THCS Thiện Hòa cho biết: Nhà trường có trên 200 học sinh nhưng có tới hơn một nửa phải ở bán trú tại trường vì điều kiện đi lại khó khăn. Có em nhà cách trường tới 18 km. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhà trường mới chỉ bố trí đủ các phòng học, còn nhà ở cho các em không có, do vậy do vậy toàn bộ học sinh muốn ở bán trú đều phải ở lán do bố mẹ các em chở vật liệu đến dựng lên. Sau mỗi giờ học, các em phải tự nấu ăn lấy, cứ hai em ở chung một lán. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại lều lán tạm bợ, các em còn phải tự lo mọi việc từ nấu ăn, giặt giũ... không thể yên tâm học tập. Hoàn cảnh này cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của các em.  

Tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành củng cố mạng lưới, quy mô số học sinh, số lớp hiện có, tăng số học sinh/lớp, bổ sung cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện sinh hoạt của học sinh nội trú. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về nhiệm vụ đào tạo cán bộ DTTS, tính chất chuyên biệt của trường PTDTNT, đôn đốc các địa phương trong công tác quy hoạch, quản lí, đào tạo, bố trí, sử dụng học sinh các trường PTDTNT, cán bộ người DTTS. Tham mưu ban hành các chính sách đối với học sinh dân tộc, giáo viên, nhân viên công tác tại trường PTDTNT và các chính sách đối với trường DTNT.

Lạng Sơn đề ra mục tiêu đến năm 2015 các trường đều đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện nuôi dạy học sinh nội trú; nâng tỉ lệ học sinh DTTS được học trong trường PTDTNT từ 4,3% (2.558 em) lên 6,5% (khoảng 4.020 em); 100% học sinh được học tập và sinh hoạt nội trú trong trường, được chăm sóc nuôi dưỡng, khám sức khỏe định kì; được đảm bảo an toàn trong học tập, lao động và sinh hoạt… 

Ưu tiên mở rộng diện tích cho các trường PTDTNT, đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà ở, nhà bếp, nhà ăn và các hạng mục công trình khác đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh nội trú. Tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học, tham gia các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại trường PTDTNT phải học ít nhất một thứ tiếng DTTS để sử dụng giao tiếp với học sinh và cộng đồng, tìm hiểu phong tục tập quán và đặc điểm tâm sinh lí học sinh các DTTS nơi công tác. Tăng cường điều động, luân chuyển giáo viên khá, giỏi giữa các trường PTDTNT, các trường THCS, THPT trong tỉnh để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. 

Chủ động xây dựng kế hoạch, mục tiêu dạy học, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình của từng cấp học. Đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày, bố trí dạy học tự chọn phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị; bổ sung kiến thức về lịch sử, địa lí, ngôn ngữ, văn hóa DTTS ở địa phương nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tổ chức cho học sinh tăng gia sản xuất vừa góp phần giáo dục các kĩ năng lao động sản xuất, ý thức bảo vệ môi trường vừa cải thiện chất lượng cuộc sống cho học sinh nội trú. Chú ý chăm lo đến khẩu phần trong bữa ăn cho học sinh, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh. Nâng cao chất lượng công tác y tế học đường, phối hợp hiệu quả với trung tâm y tế và các lực lượng trong và ngoài nhà trường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, phòng ngừa các dịch bệnh thường gặp.

Bài và ảnh: Thái Thuần (Nguồn: baotintuc.vn)