Ngày 2/2, Diễn đàn ĐBSCL 2015 đã được khai mạc với sự phối
hợp tổ chức của Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Australia, Đại sứ quán Hà Lan,
Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, vùng ĐBSCL có vai trò và ý nghĩa chiến
lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững của các
cộng đồng dân cư khu vực phía Nam và cả nước nói chung.
Với diện tích chỉ chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên cả nước, khu vực này hằng
năm đóng góp đến 18,5% GDP với 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch
xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cho hơn 6
triệu dân trong vùng.
Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với các thách thức rất lớn liên quan đến vấn
đề nguồn nước, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực của BĐKH.
Đây cũng là các thách thức to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt
Nam, một quốc gia có đường bờ biển dài và là một trong các quốc gia đang và sẽ
phải chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH.
Theo các kịch bản BĐKH vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ
tăng 2-3oC, mực nước biển có thể dâng 1m.
Khi đó, sẽ có khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và
3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển của Việt Nam bị ngập.
Trong đó, TPHCM bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số Việt Nam sẽ bị
ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP; đất canh tác nông nghiệp sẽ bị
mất dần; gia tăng xói lở bờ biển, phá hủy diện tích rừng ngập mặn ven biển và
tác động trực tiếp và nhanh chóng tới hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư và
các hệ sinh thái.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt chỉ đạo và
triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch
phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, khu vực ĐBSCL luôn nhận được sự quan tâm,
ưu tiên đầu tư đặc biệt theo định hướng phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng
quốc tế trong việc rà soát, điều chỉnh định hướng, kế hoạch phát triển bền vững
của khu vực, trong đó có nội dung Nghiên cứu “Kế hoạch ĐBSCL”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra
các giải pháp cụ thể, khả thi cho các vấn đề “bức xúc” của khu vực ĐBSCL hiện
nay, đặc biệt là tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng mạng
lưới giám sát BĐKH và nước biển dâng cho vùng, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn
ven biển, xây hồ nước ngọt và cải tạo xây mới các công trình thủy lợi, các đoạn
đê sông, đê biển xung yếu.
Nhu cầu nguồn lực mạnh mẽ
Tại Diễn đàn, các Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ trưởng TN&MT, cùng các đại biểu quốc tế
tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc triển khai Chiến lược quốc gia
về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chiến lược và Chương trình
mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu; các Chương trình đầu tư củng cố nâng cấp
đê biển để phòng tránh những tác động bất lợi từ biển, bảo vệ dân sinh và phát
triển kinh tế-xã hội bền vững của các địa phương ven biển.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về
BĐKH, trong đó có 17 dự án thuộc các tỉnh trong vùng.
Trong số đó có 8 dự án về xây dựng, nâng cấp đê sông, đê biển, hệ thống ngăn mặn
đang được triển khai thực hiện.
Đồng thời, một trong những giải pháp mang tính bền vững, đa mục tiêu được các cơ
quan Trung ương và cộng đồng quốc tế đánh giá cao là việc trồng, phục hồi rừng
ngập mặn ven biển nhằm từng bước tạo đai rừng chắn sóng, chống sạt lở bờ biển,
tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển,
tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa đang tích cực được triển khai.
Chương trình củng cố và nâng cấp hệ thống đê biển vùng ĐBSCL dự kiến cần trên
30,5 nghìn tỷ đồng, trong đó Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn và huy động các
nguồn lực để thực hiện Chương trình cho khu vực này là 1.573,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn bố trí từ vốn vay của các tổ chức quốc tế cho các dự án củng cố,
nâng cấp đê biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo vận động cộng đồng các nhà tài trợ thông qua
Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) để hỗ trợ gần 1.400 tỷ đồng cho
các dự án đê biển trong cả nước trong giai đoạn 2013-2015, trong đó trên 630 tỷ
đồng cho 4 dự án tại các tỉnh trong khu vực.
Đàm phán với các nhà tài trợ để huy động khoảng 250 triệu USD mỗi năm đến 2020
nhằm hỗ trợ cho ứng phó với BĐKH.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia nhóm, tập trung thảo luận theo các chủ đề, từ
giải pháp tổng hợp dài hạn, những bài học kinh nghiệm từ các đồng bằng trên thế
giới và phát triển sinh kế bền vững thông qua quản lý thích ứng khu vực.
Tổng hợp các ý kiến cho thấy, đã đến lúc cần sớm đẩy mạnh hơn nữa bằng các hành
động cụ thể, ứng phó và ngăn chặn các tác động tiêu cực rõ nét của tình trạng
BĐKH đối với khu vực ĐBSCL.
Cụ thể là việc tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; điều tra, khảo
sát, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm và khả năng sụt lún, xói lở, sạt lở
ở Vùng.
Xác định các kịch bản phát triển cho khu vực trên cơ sở cập nhật chi tiết các
kịch bản BĐKH và nước biển dâng và các tác động do phát triển trên dòng chính
sông Mekong, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.
Nguyên Lin (Nguồn: chinhphu.vn)