trả lời:
Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 32/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số, thì độ tuổi kết hôn của người dân tộc thiểu số:
Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn để bảo đảm sự phát triển giống nòi, bảo đảm cho các bên nam, nữ có đủ điều kiện về sức khỏe và khả năng chăm lo cuộc sống gia đình. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên, các già làng, trưởng bản và các vị chức sắc tôn giáo thực hiện tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ phong tục, tập quán kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (tảo hôn). Nhà nước cũng quy định bảo đảm quyền tự do kết hôn của nam, nữ người dân tộc thiểu số tại Điều 5, Nghị định số 32/2002/NĐ-CP như sau:
1. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào. Ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên, các già làng, trưởng bản, các vị chức sắc tôn giáo vận động, thuyết phục các bậc cha mẹ hướng dẫn con xây dựng gia đình tiến bộ, không được cưỡng ép hoặc cản trở việc lấy vợ, lấy chồng của con; vận động mọi người xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu cản trở quyền tự do kết hôn của nam và nữ.
2. Nghiêm cấm tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ. Không ai được lợi dụng việc xem tướng số hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác để cản trở việc thực hiện quyền tự do kết hôn của nam và nữ. Như vậy, khi bạn chưa đủ tuổi kết hôn và chưa muốn kết hôn thì không ai có quyền ép buộc bạn. Khi đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, bạn có quyền tự do kết hôn, không phân biệt bạn đời của bạn thuộc dân tộc hay theo tín ngưỡng tôn giáo khác với bạn.